Tôi theo đạo Phật, nhưng mỗi sáng vẫn pha một ly cà phê phin. Vẫn ngồi chờ từng giọt nhỏ xuống đáy ly trong tiếng thở đều đặn, đôi khi trầm ngâm, đôi khi mỉm cười một mình. Tôi không thấy mình làm sai điều gì, cũng không nghĩ mình đi ngược lại con đường mình đã chọn. Bởi với tôi, đạo Phật không phải là một chiếc áo khoác ngoài, càng không phải một bảng kiểm kê những điều được và không được. Đạo Phật, đơn giản, là cách tôi tập sống tử tế với chính mình và với đời.
Ngày trước, tôi nghĩ người theo đạo Phật thì phải ăn chay trường, tụng kinh mỗi ngày, đi chùa lễ Phật mỗi tuần. Tôi cũng từng nghĩ, nếu mình còn ăn cơm mặn, còn thích cà phê, còn yêu những buổi sáng rong chơi giữa đời thì chắc mình chẳng thể nào gọi là người biết đạo. Nhưng cuộc đời dạy tôi bằng những bài học nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Rằng, theo đạo Phật không phải là bỏ hết đời sống, mà là biết sống giữa đời một cách chánh niệm, biết mỉm cười với chính mình và tha thứ cho những vấp ngã của bản thân.
Mỗi sáng, khi pha cà phê, tôi thường chậm lại. Không vội vàng như trước kia, không lướt điện thoại trong lúc đợi nước nhỏ. Tôi để ý mùi hương ngào ngạt trong không gian, nghe tiếng giọt cà phê rơi đều đặn, nghe tiếng chim ngoài sân kêu ríu rít. Một ly cà phê bình thường, nhưng trở thành một khoảnh khắc tỉnh thức. Không cần phải ngồi thiền hàng giờ, chỉ cần có mặt trọn vẹn trong giây phút ấy, cũng đủ thấy mình đang thực hành đạo.
Bữa cơm gia đình cũng vậy. Tôi ăn mặn. Một bữa cơm với canh chua, cá kho, rau luộc, chén mắm ớt, có hôm làm lon bia, có hôm làm chén cay cay. Ngày xưa ăn cho no, cho đủ bữa. Giờ đây, tôi ăn để sống – để làm việc – để nuôi bản thân và gia đình – để cống hiến – và để biết ơn. Biết ơn người nấu, biết ơn đất trời, biết ơn cả những giọt mồ hôi của người nông dân ngoài đồng ruộng. Tôi nhai chậm hơn, gắp thức ăn vừa đủ, không đòi hỏi, không chê bai. Một bữa cơm mặn mà trọn vẹn lòng biết ơn, đối với tôi, cũng là một cách tu.
Không ít lần, có người hỏi tôi: “Theo đạo Phật mà vẫn ăn mặn, uống cà phê, vậy có đúng không?” Tôi chỉ cười. Tôi không cần chứng minh điều gì với ai. Tôi chỉ cần biết, mỗi ngày, tôi đang sống tử tế hơn một chút, hiền hòa hơn một chút, thảnh thơi hơn một chút, vậy là đủ.
Tôi vẫn có những lúc nóng giận. Vẫn có những lúc buồn bã. Vẫn có những lúc trách móc cuộc đời không công bằng. Nhưng thay vì để những cảm xúc ấy dẫn dắt mình đi xa hơn vào khổ đau, tôi học cách ngồi yên lại. Hít một hơi thật sâu, thở ra thật chậm, và tự nhủ: “Thôi, nhẹ nhàng thôi.”
Tôi từng nghĩ đạo Phật là chuyện lớn lao. Phải từ bỏ hết mới được gọi là tu. Nhưng rồi tôi gặp những con người bình dị, họ không tụng kinh ngày đêm, không mặc áo tràng đi khắp chốn, mà vẫn toát ra sự an nhiên từ ánh mắt, từ nụ cười, từ cách họ đối đãi với người xung quanh. Tôi nhận ra, tu hành không phải là thay đổi vẻ bề ngoài, mà là làm mềm đi những góc cạnh trong tâm mình.
Có lần tôi thấy một bà cụ bán rau ngoài chợ. Cụ ngồi dưới nắng, tay run run nhặt từng mớ rau, miệng vẫn cười hiền với khách. Người ta trả giá, cụ vẫn cười. Người ta nạt nộ, cụ cũng chỉ cười. Tôi tự hỏi: cụ có tụng kinh không? Cụ có ăn chay không? Tôi không biết. Nhưng tôi chắc một điều: lòng cụ đã đủ rộng để dung chứa cả những điều trái ý.
Đạo Phật trong tôi, từ những hình ảnh đời thường như vậy mà lớn dần lên.
Tôi không còn tự ép mình phải từ bỏ cà phê, phải ăn chay trường, phải tụng kinh gõ mõ mới gọi là tu. Tôi chỉ âm thầm sửa mình từng chút: bớt tham, bớt sân, bớt si. Bớt mong người khác phải làm theo ý mình. Bớt trách cuộc đời, bớt oán người thân, bớt giận chính mình.
Mỗi ngày, tôi nhắc mình sống chậm lại. Ăn một bữa cơm với lòng biết ơn. Uống một ly cà phê với lòng tỉnh thức. Ngồi bên mẹ cha với lòng yêu thương. Đối xử với bạn bè bằng lòng chân thành. Nhìn người lạ bằng lòng từ bi.
Tôi không cầu thành Phật. Tôi không mơ thành thánh. Tôi chỉ mong mình, mỗi ngày, làm người cho tử tế hơn một chút. Đời có gió, tôi học cách đứng vững. Đời có mưa, tôi học cách che cho người khác khỏi ướt. Đời có lạnh, tôi học cách nhóm lửa trong lòng, sưởi ấm chính mình và người bên cạnh.
Tôi theo đạo Phật – mà vẫn uống cà phê, ăn cơm, thưởng thức cốc bia bình thường. Nhưng lòng tôi, mỗi ngày, cố gắng bình an hơn, hiền hòa hơn, biết ơn nhiều hơn. Không ai bắt tôi phải bỏ đời để theo đạo. Chỉ cần sống giữa đời mà lòng không nhuốm bụi đời, vậy đã là một bước trên con đường trở về với chính mình.
Nếu có ai hỏi tôi: “Theo đạo Phật, sống khác gì?”Tôi sẽ mỉm cười và nói: “Khác ở chỗ: Tôi không cố hơn ai. Chỉ cố hơn chính mình của ngày hôm qua.”
Trải mấy xuân tin đi tin lại,
Đến xuân này tin hãy vắng không.
Thấy nhạn luống tưởng thư phong,
Nghe hơi sương, sắm áo bông sẵn sàng.