Lần đầu tiên tôi đi chùa là vào một buổi sáng đầu năm, khi gió xuân còn se lạnh và mặt trời chỉ vừa kịp hong khô những giọt sương trên lá cỏ. Mẹ rủ tôi đi lễ chùa cùng bà. Đó là một ngôi chùa nhỏ ở vùng quê, mái ngói rêu phong, cổng chùa đã ngả màu cũ kỹ, chỉ cần đẩy nhẹ là cánh cửa gỗ kẽo kẹt mở ra. Bước chân đầu tiên vào sân chùa, tôi đã cảm nhận một không khí lạ lẫm và yên tĩnh khác hẳn với sự ồn ào của những ngày thường. Dẫu vậy, trong lòng tôi lại trào lên một cảm giác bối rối rất trẻ con, vì chẳng biết phải làm gì tiếp theo.
Tôi nhìn quanh, thấy mọi người đều chắp tay ngay ngắn trước ngực, cúi đầu lạy Phật. Có người vái ba lần, có người đứng lâu khấn vái điều gì đó. Tôi càng thêm lúng túng. Không biết xá mấy cái thì đúng? Không biết khấn điều gì để không phạm lỗi? Thấy ai làm gì, tôi cũng không dám bắt chước, chỉ sợ mình làm sai, vô tình thất lễ trước cửa Phật. Thế là, tôi đứng nép sang một góc, lặng lẽ chắp tay, mắt khẽ nhắm lại, mà trong lòng hồi hộp như lần đầu đi thi.
Tôi cứ đứng yên như thế, tay run run vì loay hoay giữa một ngôi chùa thấm đẫm không khí nhẹ nhẹ, dịu dịu, êm êm và có chút tang thương của thời gian để lại. Một phần trong tôi muốn bước tới trước bàn thờ lớn, làm những nghi lễ như những người đi trước, nhưng phần khác lại ngần ngại vì không biết chính xác mình nên làm gì. Trong sự im lặng, tôi chỉ kịp khẽ thì thầm với lòng: “Con xin chào Phật. Con chỉ muốn sống thoái mái hơn.” Không hoa mỹ, không dài dòng, chỉ là một câu rất nhỏ, rất thật.
Mẹ tôi đi quanh một vòng chùa, trở lại, vỗ nhẹ vai tôi và cười hiền: “Cứ đứng yên cũng được con ạ. Quan trọng là tâm mình thành.” Nghe mẹ nói, tôi thấy nhẹ cả lòng. Thì ra, đến chùa đâu cần phải biết thật rõ từng lễ nghi, đâu cần phải lo lắng mình có đúng từng cử chỉ nhỏ hay không. Chỉ cần cái tâm kính trọng, cái lòng muốn hướng thiện là đủ rồi. Nhưng thế nào là tâm mình thành, thì mẹ tôi chửa nói ngay, cũng chả ai biết rõ ràng thế nào mà nói.
Sau lần đó, tôi dần hiểu rằng, trong đạo Phật, hình thức không bao giờ là điều quan trọng nhất. Có người xá ba cái, có người năm cái, có người vái một lần thôi. Có người đọc một bài khấn rất dài, có người chỉ lặng yên cúi đầu. Nhưng tất cả, nếu phát xuất từ lòng thành thật, thì đều là đẹp cả. Còn nếu chỉ làm cho đủ hình thức, cho đúng “chuẩn”, mà lòng thì trống rỗng hoặc tính toán, thì dù có khấn hàng trăm lần cũng không có ý nghĩa gì nhiều.
Tôi cũng nhận ra rằng, lần đầu tiên đứng im trước bàn Phật ấy đã là một lời khấn đẹp nhất mà tôi có thể dâng lên. Không lời lẽ cầu kỳ, không đòi hỏi, không mưu cầu, chỉ đơn giản là một mong ước được sống tốt hơn, nhẹ nhàng hơn giữa cuộc đời nhiều giông gió. Và Phật, tôi tin là, luôn nghe những lời thầm thì giản dị như thế, hơn cả những bài văn khấn học thuộc lòng.
Bây giờ, mỗi khi đến chùa, tôi vẫn giữ thói quen không vội vã. Tôi đi chậm, bước nhẹ. Tôi đứng yên trước tượng Phật một lúc lâu, nhắm mắt và để lòng mình lắng lại. Có khi tôi chỉ nói một câu: “Con cảm ơn vì hôm nay còn đủ hơi thở.” Có khi tôi không nói gì cả, chỉ mỉm cười và cúi đầu. Bởi tôi biết, Phật không đếm xem tôi lạy bao nhiêu cái, không kiểm xem tôi thuộc bài kinh nào. Điều Phật muốn nghe, có lẽ chỉ là lòng người an tĩnh, là sự trở về với thiện lương vốn có trong tim mỗi chúng ta.
Nhớ lại ngày ấy, tôi mỉm cười với chính mình. Một đứa trẻ lần đầu đi chùa, lóng ngóng, vụng về, sợ làm sai. Nhưng cũng chính từ sự vụng về ấy mà tôi học được bài học đầu tiên: Đạo Phật không phải là việc làm cho đúng hình thức, mà là làm cho đúng với tâm mình. Khi tâm mình ngay thẳng, thì mọi lời khấn đều trong sáng. Khi lòng mình thành kính, thì mọi cái xá, mọi cái vái đều tròn đầy ý nghĩa.
Có những người vào chùa lần đầu cũng giống tôi ngày ấy, ngơ ngác không biết làm gì. Nếu hôm đó, ai đó quát tôi “Phải lạy ba lạy chứ!”, hay “Sao không đọc bài khấn này?”, chắc tôi đã sợ đến không dám quay lại. May thay, mẹ tôi chỉ nói một câu rất nhẹ nhàng, rất từ bi: “Quan trọng là lòng thành.” Câu nói ấy đã gieo vào lòng tôi một hạt mầm tốt đẹp, để từ đó, mỗi lần đi chùa, tôi không còn tìm cách “làm đúng”, mà chỉ tìm cách “sống đúng” hơn.
Tôi biết, ngoài kia có biết bao người lỡ mang tâm sợ sệt, ngại ngùng khi đến những nơi linh thiêng. Sợ mình làm sai, sợ bị phán xét, sợ bị coi thường. Nếu mỗi ngôi chùa, mỗi ngọn tháp đều là nơi mà ai bước tới cũng được mỉm cười đón nhận, cũng được khẽ khàng nhắc rằng “Chỉ cần lòng thành”, thì chắc hẳn thế giới này sẽ hiền lành và dễ thở biết bao.
Đi chùa, đối với tôi, không còn là một lễ nghi. Đó là một lần đứng im để lòng mình lắng xuống. Là một lần bước chậm để nhận ra cuộc sống đáng trân trọng biết chừng nào. Là một lần cúi đầu để nhắc mình khiêm nhường, tử tế hơn giữa đời.
Và có lẽ, đời người cũng cần những lần “đứng im” như thế. Để không vì chạy quá nhanh mà lạc mất tâm hồn. Để không vì lo sợ hình thức mà quên mất lòng thành. Để không vì sợ sai mà không dám sống thật.
Lần đầu đi chùa, tôi đã đứng im.
Để rồi cả đời, mỗi khi mệt mỏi, tôi lại muốn quay về, đứng im giữa hương trầm nhè nhẹ đu đưa, giữa tiếng chuông chậm rãi, để nghe lòng mình trở về với chính mình.
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.