Khi nói đến từ bi, phần lớn người ta nghĩ đến lòng thương xót – dành cho người nghèo, kẻ khổ, những ai ta yêu quý, quen biết hay đã từng giúp đỡ mình. Nhưng trong giáo lý Phật giáo, từ bi không chỉ là một cảm xúc, mà là một phẩm hạnh cao quý, đứng đầu trong bốn trạng thái tâm vô biên, gọi là Tứ vô lượng tâm: Từ – Bi – Hỷ – Xả.
Từ bi, theo đúng tinh thần của Tứ vô lượng tâm, không hướng về một người cụ thể, không chờ điều kiện, không nhắm vào thân – sơ, thiện – ác. Nó là lòng thương bình đẳng và vô điều kiện, không vì ai, cũng không cần người được thương phải xứng đáng. Trong đời sống thường ngày, ta dễ rơi vào cái gọi là “thương có chọn lọc”. Ta thương người quen, ta giúp người cùng hội nhóm, ta cảm thông với người có vẻ khổ – nhưng lại thờ ơ, ghét bỏ hoặc phán xét những ai trái ý, xa lạ, thậm chí chỉ đơn giản là không thích. Đó không phải từ bi. Đó là phản xạ tự nhiên của con người, còn từ bi trong đạo học thì đi xa hơn: không riêng ai – không vì ai.
Tứ vô lượng tâm là bốn cột trụ tinh thần, nâng đỡ cho mọi hành vi đạo đức của người học đạo. Từ là mong muốn chúng sinh an vui. Bi là mong chúng sinh thoát khổ. Hỷ là hoan hỷ trước niềm vui, hạnh phúc của người khác. Xả là buông bỏ, không chấp thủ. Từ bi nếu thiếu Hỷ – sẽ dễ sinh cảm giác buồn bã, u sầu. Từ bi nếu thiếu Xả – sẽ thành ra dính mắc, oán trách khi lòng tốt bị từ chối. Cho nên, trong Tứ vô lượng tâm, Từ và Bi phải đi cùng Hỷ và Xả, để tạo nên một lòng thương thanh thoát, không lệ thuộc vào phản hồi của người nhận.
Một người học đạo có thể bắt đầu lòng từ bi từ những điều nhỏ: chăm sóc người thân, giúp đỡ hàng xóm, chia sẻ với bạn bè. Nhưng nếu dừng ở đó, từ bi ấy vẫn còn có giới hạn. Từ bi trong Tứ vô lượng tâm hướng đến phạm vi rộng khắp – mười phương – mọi loài – không phân biệt. Đó là khi thấy ai cũng đáng được yêu thương – dù họ là người lạ, dù họ đã từng làm ta tổn thương. Khi tâm từ bi không bị giới hạn bởi thân – sơ – thiện – ác, nó trở thành một nguồn năng lượng chữa lành – cho cả chính mình và người khác.
Có lần, một người bạn nói: “Tôi thương người đó quá trời mà họ chẳng thèm biết ơn, thấy buồn lắm.” Câu nói ấy thật phổ biến. Nhưng nó cũng cho thấy rằng lòng thương của ta vẫn còn vướng điều kiện – ta cho vì mong nhận lại: sự biết ơn, sự yêu quý, hay ít nhất là một cái gật đầu công nhận. Còn từ bi trong Tứ vô lượng tâm thì khác. Nó cho đi mà không mong nhận, thương mà không cần biết có được hồi đáp hay không. Vì nó không phụ thuộc vào người khác – mà phát xuất từ nội tâm thanh tịnh.
Một người có tâm từ bi không nhất thiết phải đi xa, làm việc lớn hay phát nguyện cao sâu.
Có một quan niệm sai lầm: từ bi là yếu đuối, là hay khóc thương, hay xúc động. Nhưng không – từ bi không phải là mềm lòng đến độ mất lý trí. Từ bi là ánh sáng soi đường – không phải ngọn lửa đốt cháy mình. Người có từ bi biết lúc nào nên tiến – nên lùi – nên im lặng – nên lên tiếng. Từ bi có trí tuệ – nên không để mình bị lợi dụng. Từ bi có Hỷ – nên không thấy khổ khi giúp người. Từ bi có Xả – nên không giữ trong lòng nỗi oán vì người không đáp lại.
Từ bi không cần thể hiện bằng những hành động lớn lao. Đôi khi chỉ là: mỉm cười với người giao hàng giữa trưa nắng, nhường một chỗ ngồi khi thấy ai đó mệt, không nổi nóng khi người khác làm điều sai – mà nhìn họ bằng ánh mắt cảm thông, lặng im khi biết rằng lời nói lúc ấy sẽ làm tổn thương, cầu nguyện bình an cho một người xa lạ mình vô tình gặp. Từng hành động như thế – nhỏ thôi – là biểu hiện sống động của Từ – Bi – Hỷ – Xả giữa đời thường.
Một người có tâm từ bi không nhất thiết phải đi xa, làm việc lớn hay phát nguyện cao sâu. Đôi khi, điều họ làm chỉ đơn giản là ở lại – ở lại bên người đang khóc mà không hỏi tại sao, ở lại với người đang nóng giận mà không bỏ đi, ở lại bên một đứa trẻ vừa làm điều sai mà không nặng lời. Sự hiện diện ấy, không cần lời giảng dạy, vẫn là từ bi.
Và khi lòng từ bi gắn chặt với Xả – người học đạo sẽ không thấy mệt khi bị hiểu lầm, không chùn bước khi không được đáp lại, không buồn khi làm việc tốt mà không ai ghi nhận. Bởi vì họ biết: bản chất của từ bi không nằm ở kết quả – mà nằm ở tấm lòng không ngừng lan toả.
Thay vì cố gắng “làm người từ bi”, người học đạo hướng đến trở thành một người có tâm từ bi. Khi đó, mọi hành động – lời nói – ý nghĩ – đều tự nhiên tỏa ra năng lượng lành. Không cần gồng lên thương người – vì thương là bản chất trong cách sống, cách nhìn, cách tiếp cận mọi việc.
Trước vì danh lợi nên si,
Mê lời ngon ngọt tâm đi quên về,
Giờ thì thi phú giải khuây,
Xuân sang ra cánh đồng tây gieo mầm.