Tôi từng đứng trước cổng chùa vào một ngày rằm, nhìn thấy cảnh người người tay ôm lồng chim, bịch cá, túi ốc. Ai cũng nói mình đi phóng sinh. Có người còn nói với giọng đầy vẻ hoan hỷ: “Mỗi con thả ra là thêm một công đức.” Có người vừa thả chim vừa quay clip, bảo để “lan tỏa lòng từ bi”.
Nhưng rồi tôi thấy những con cá bị thả xuống hồ nước cạn, vài phút sau ngửa bụng. Những con chim vừa bay được một đoạn thì bay loạng choạng, rồi rơi xuống mái ngói , bụi tre. Tôi nhìn cảnh ấy, không khỏi tự hỏi: đây là từ bi – hay là tổn hại được gắn mác từ bi?
Tôi từng nói chuyện với một người buôn cá cảnh. Anh ta bảo: “Rằm nào cũng cháy hàng. Nhiều người mua cả trăm con. Có người đặt trước cả tuần. Tui chỉ cần cung cấp đủ là có lời.” Khi tôi hỏi: “Không thấy kỳ kỳ sao, nuôi cá để bán cho người ta thả?” Anh ta nhún vai: “Tui đâu bắt ai mua. Người mua vì họ tin là làm phước. Mình chỉ là người bán thôi.”
Câu nói nghe vô tư, nhưng lại phản ánh rất đúng một vòng luẩn quẩn: mua rồi thả – rồi người khác lại đi bắt – rồi lại mua – rồi lại thả. Một chuỗi hành động nghe như thiện lành, nhưng thực chất đang tiếp tay cho việc bắt nhốt sinh vật hàng loạt để… được thả đúng ngày.
Tôi không phủ nhận lòng tốt của những người muốn phóng sinh. Nhưng lòng tốt nếu không đi kèm trí tuệ, thì đôi khi lại tạo thêm nỗi khổ.
Tôi từng chứng kiến một nhóm người thả cá xuống đoạn suối có nước rất nóng vào mùa khô. Cá vừa rơi xuống đã nổi bụng. Người thả vẫn vui vẻ tụng kinh. Tôi đứng đó, chỉ biết im lặng. Không phải vì không dám nói, mà vì tôi hiểu: không ai muốn nghe mình vừa làm việc tốt lại bị chê là sai.
Từ Bi, với tôi, không phải là hành động cho người khác thấy. Mà là biết thương sinh mạng – và không biến sinh mạng ấy thành công cụ cho sự hài lòng của bản thân.
Có lần, một cô gái tôi quen, sau khi xem clip về “lòng từ bi” trong phóng sinh, đã gom tiền mua khá nhiều chim sẻ. Cô thả ở một bãi cỏ gần nhà, quay video, đăng lên mạng. Hôm sau, tôi hỏi: “Bãi đó quanh là khu dân cư, không có nơi trú, lấy gì chim sống?” Cô ngập ngừng, rồi bảo: “Ừ nhỉ… lúc đó em chỉ nghĩ là thả được là tốt rồi.”
Tôi không trách cô. Vì thật ra, ai trong chúng ta cũng từng nghĩ đơn giản rằng: “thả” là “thương”, là “cứu”. Nhưng thương thật sự là phải hiểu điều sinh vật đó cần. Và điều chúng cần, nhiều khi không phải là được “thả”, mà là đừng bị bắt từ đầu.
Người ta hay nói: “Miễn là có lòng.” Nhưng nếu cái “lòng” đó lại tạo ra nhu cầu để người khác đánh đổi sinh mạng lấy tiền, thì nó có còn đáng gọi là thiện?
Tôi từng gặp một cụ già sống bằng nghề đánh bắt cá đồng để bán cho người đi chùa phóng sinh. Cụ nói: “Tui không bắt là người khác bắt. Thà tui bắt còn cho ăn đàng hoàng, để vài ngày rồi mới bán.” Tôi thấy buồn. Vì nếu không có người mua – thì cụ cũng chẳng sống bằng nghề đó được.
Và như vậy, mỗi lần ta mua để thả – là một lần ta tiếp tay cho việc sinh linh bị nhốt.
Phóng sinh, theo đúng tinh thần từ bi, không phải là sự chuộc lỗi bằng tiền, mà là sự tỉnh thức khi sống mỗi ngày. Không ăn thịt cá dư thừa quá mức. Không bức tử sinh mạng vì nhu cầu hưởng thụ quá độ. Không tán thành việc nuôi nhốt để thả theo phong trào.
Một lần tôi thấy một bé gái, nhìn thấy mấy con chim trong lồng người bán phóng sinh, bỗng khóc. Bé nói: “Chúng nó đâu muốn bị thả. Chúng muốn không bị bắt thôi.” Câu nói trẻ con, mà thấm như lời dạy.
Chúng ta vẫn có thể phóng sinh. Nhưng phóng sinh bằng trí tuệ, bằng sự quan sát hoàn cảnh, bằng việc tìm hiểu kỹ nơi thả, giống loài, điều kiện sống. Có thể cứu một con – mà cứu đến nơi. Còn hơn cứu mười con – mà chỉ để thỏa mãn cảm giác mình vừa làm điều tốt.
Và nếu ai đó hỏi tôi: “Thế không nên phóng sinh nữa à?” Tôi sẽ nói: “Vẫn nên. Nhưng đừng để cái gọi là thiện – trở thành cái cớ cho chuỗi bất thiện kéo dài.”
Từ Bi, rốt cuộc, không phải là mình làm gì cho ai thấy. Mà là mình dừng lại – trước khi làm tổn thương điều gì.
Và rồi tôi nhận ra, có một dạng phóng sinh mà ít ai nhắc đến – nhưng lại thiết thực hơn rất nhiều. Đó là khi ta chọn sống một cách ít gây tổn hại nhất.
Một người bạn tôi quen, không đi phóng sinh rằm nào cả. Nhưng cậu ấy sống rất cẩn thận: rửa rau không để cuốn trôi sinh vật nhỏ, nấu ăn xong thường đem thức ăn thừa ra sau nhà cho lũ mèo hoang. Có hôm, tôi hỏi: “Sao không đi chùa phóng sinh cho thiêng?” Bạn tôi nói: “Em thấy phóng sinh là giữ sinh mạng, không phải làm nghi lễ.”
Câu đó tôi ghi lại, như một lời nhắc.
Thật ra, từ bi không nằm ở thời điểm ta làm gì lớn lao, mà nằm trong từng chọn lựa nhỏ mỗi ngày: có làm ai đau không, có vô tình tước đi sự sống nào không, có lấy sự sống này đổi lấy cảm giác tốt đẹp cho bản thân không?
Nhiều người đi chùa mua cả xô cá thả ra, nhưng về nhà vẫn ăn cá sống, vẫn vô tư giết thịt không chút áy náy. Có người thả chim quay clip, rồi tiếp tục ủng hộ những nơi bán chim rừng nhốt trong lồng. Có người nghĩ rằng một lần thả là chuộc được mọi thứ khác.
Nhưng sự sống không phải món hàng để cân đong công đức.
Tôi nghĩ, phóng sinh đúng nghĩa – là để sinh linh có cơ hội tiếp tục sống, và chính mình được luyện lại lòng tôn trọng sự sống ấy. Chỉ khi ta không xem sinh linh là phương tiện cho sự “tu tâm” của mình, ta mới thực sự bắt đầu từ bi.
Một lúc nào đó, tôi sẽ dắt con mình ra bờ ruộng, chỉ cho nó thấy đàn chim sẻ, và dạy rằng: “Phóng sinh là đừng khiến chúng phải bị bắt.” Không có nghi lễ. Chỉ có một bài học làm người tử tế.
Và tôi tin, đó cũng là cách để từ bi không trở thành khẩu hiệu. Mà là hành động âm thầm, nhưng sâu sắc – đủ để sinh linh khác sống tiếp, và lòng người không chai sạn dần theo năm tháng.
Ấy loài vật tình duyên còn thế,
Sao kiếp người nỡ để đấy, đây ?
Thiếp xin muôn kiếp duyên này,
Như chim liền cánh, như cây liền cành.