Tôi đã từng đi chiêm bái xá lợi Phật.
Buổi sáng hôm ấy trời dịu, dòng người xếp hàng từ rất sớm trước sân chùa lớn. Ai cũng yên lặng, bước đi từng chút một, tay chắp trước ngực. Có người đến từ rất xa, có người đơn giản chỉ ghé qua trên đường đi làm, đứng lặng một chút, bái vọng, rồi vội vã bước đi. Nhưng tất cả đều chung một tâm trạng thành kính, như thể họ tin rằng khi đứng trước viên xá lợi nhỏ bé kia, cuộc sống sẽ mở mang, rộng lớn hơn đôi chút.
Khi đi qua, tôi thấy những viên ngọc nhỏ, lóng lánh rất đẹp. Tôi cảm tưởng như rất lâu, rồi bất giác cúi đầu. Không phải vì thấy gì kỳ diệu, mà vì tự nhiên lòng tôi dịu lại. Tôi nghĩ đến những bậc Đại hiền, một người từng đi qua cuộc đời với tất cả lòng thương yêu trí huệ, và ngay tại đây còn thấy những viên ngọc nhỏ – như một lời nhắc nhở về sự lặng lẽ mà sâu sắc của tình thương yêu.
Khi về nhà, tôi vẫn nghĩ mãi về hai chữ “xá lợi”. Tôi tự hỏi, nếu xá lợi là kết tinh của một đời sống thương yêu đại đức đại hiền, thì phải chăng, mỗi chúng ta – khi sống tử tế – cũng đang tạo ra những viên “xá lợi” như vậy, không phải để người đời chiêm bái, mà để ai đó khi nhớ về mình, lòng bỗng thấy ấm áp, an lành?
Ngày hôm ấy, tôi nhớ rõ rất nhiều người đứng quanh mình. Tôi biết, nhiều người trong số họ đã âm thầm làm rất nhiều việc tốt cho xã hội rồi. Có người xây trường học cho trẻ em vùng xa, có người hằng năm quyên góp quần áo, sách vở cho trẻ em nghèo, có người dành cả đời chăm sóc những cụ già neo đơn mà chẳng cần ai biết đến tên mình. Họ đứng trước viên xá lợi với lòng thành kính rất sâu sắc, bởi họ hiểu hơn ai hết về giá trị thật sự của lòng từ bi. Đối với họ, việc đứng đây không phải để cầu xin, mà là để thêm một lần tự nhắc mình về ý nghĩa của sự thương yêu. Họ đã sống bằng từ bi mỗi ngày, và đến đây để cúi đầu, như một lần tự cảm ơn mình đã chọn lựa một lối sống dịu dàng như thế.
Những suy nghĩ ấy cứ quanh quẩn trong tôi. Tôi nhớ đến người thương binh già ở gần nhà. Ông bị thương tật từ chiến trường, nhưng chiều nào cũng ra ngồi sửa xe đạp cho học sinh. Không ai buộc ông phải làm thế cả, nhưng ông làm, chỉ để giữ cho lòng mình vui. Tôi chưa từng thấy ông nổi giận hay than trách số phận. Ông chỉ nói đơn giản: “Sống được đến hôm nay đã là một điều quý giá rồi, cháu ạ.”
Tôi thấy lòng mình chùng xuống mỗi khi nghĩ đến ông. Không phải thương hại, mà là cảm phục. Ông không cầu ai vinh danh, cũng chẳng cần ai biết ơn. Nhưng chính cách ông sống, lặng lẽ mà vui vẻ, giản dị mà mạnh mẽ, làm tôi tin rằng ông đang để lại một viên “xá lợi” vô hình trong lòng người khác – một thứ xá lợi của sự bình thản, can trường, của thứ tình thương mà ông dành cho cuộc đời.
Tôi nhớ đến một bác gái, là một cô giáo gần nhà đã nghỉ hưu. Bao năm nay, cô vẫn cặm cụi, miệt mài dạy học cho các em nhỏ lang thang, cơ nhỡ, trong căn phòng hơn hai chục mét vuông, với bảng đen phấn trắng và những bàn ghế còn chắc chắn do hàng xóm góp lại.
Tôi nhớ đến những người bạn tôi, đi xe đẹp, mặc quần áo đẹp, ăn uống ở chỗ đẹp, và hàng tuần, hàng tháng vẫn âm thầm góp công sức tiền triệu cho những người bệnh khó khăn, những em nhỏ ở bệnh viện ốm đau bệnh tật…
Tôi nghĩ đến những người lính trở về sau chiến tranh khác mà tôi từng gặp. Có người đi khập khiễng vì mảnh đạn còn sót lại trong chân, có người giữ trong cơ thể mình vài mảnh kim loại nhỏ, mà mỗi khi trái gió trở trời, lại âm ỉ đau buốt. Thế nhưng, không một ai trong số họ để nỗi đau ấy khiến mình trở thành người khắc nghiệt. Họ vẫn sống nhẹ nhàng, vẫn thức dậy sớm tập thể dục, vẫn cười vui, trồng rau, nuôi cá, chơi với cháu nội cháu ngoại, vẫn làm việc cho mình, cho người. Họ trân trọng từng ngày được sống, từng bình minh được nhìn thấy.
Nếu có ai hỏi tôi về ý nghĩa của xá lợi, có lẽ tôi sẽ không chỉ nghĩ đến những viên ngọc lấp lánh kia nữa. Tôi sẽ nghĩ về những người lính đó – họ mang trong thân thể những vết thương, nhưng lòng thì luôn rộng mở với đời.
Xá lợi của họ không sáng lên bằng ánh hào quang nhiệm màu. Xá lợi của họ sáng lên bằng sự can đảm của người đã vượt qua đau thương, bằng sự nhẹ nhàng của người đã tha thứ cho cuộc đời, bằng sự bình yên họ giữ được sau tất cả.
Xá lợi chiến tranh không lấp lánh như viên ngọc thiêng, nhưng ánh lên bằng những giấc ngủ an lành sau bao đêm dài mất ngủ. Ánh lên bằng tiếng cười trẻ thơ trong sân nhà, bằng ánh mắt dịu dàng, và cả bằng sự biết ơn âm thầm dành cho cuộc sống giản dị hôm nay. Đôi khi, chính những “xá lợi” âm thầm như thế lại nhắc nhở ta rằng: hòa bình không phải là điều tự có tự đến, mà là tuổi xuân, xương máu của một thời hoa lửa.
Tôi không có ý so sánh việc chiêm bái xá lợi Phật và việc sống tử tế mỗi ngày, bởi điều gì cũng đáng trân trọng. Nhưng tôi nghĩ, sẽ thật thiếu sót nếu ta chỉ đứng trước viên xá lợi để cầu bình an, mà quên mất rằng chính cách ta sống hàng ngày mới là điều quyết định sự an lành thật sự của cuộc đời mình.
Có thể ta sẽ không bao giờ có một viên xá lợi nào được đặt vào hộp kính để người khác cúi đầu. Nhưng chắc chắn, ta có thể để lại những viên xá lợi vô hình trong lòng người khác – mỗi khi ta biết thương, mỗi khi ta biết nhìn người bằng con mắt nhẹ nhàng hơn.
Từ đó, tôi nhận ra một điều thật đơn giản: Từ bi không phải thứ gì quá xa xôi. Từ bi cũng chính là một dạng xá lợi – không phải để chiêm bái, mà là để mỗi người giữ lại bên mình, để rồi khi nhớ về ai đó, lòng bỗng thấy nhẹ nhàng, mỉm cười và thầm cảm ơn cuộc đời vì đã từng gặp nhau.
Không cần phải tìm kiếm đâu xa, không cần phải cúi đầu quá thấp, chỉ cần sống sao để khi ngoảnh lại, ai đó vẫn nhớ về mình – như nhớ một điều dịu dàng trong cuộc đời.
Với tôi, như vậy là đủ.
Quê hương anh nước mặn, đồng chua,
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ,
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Discussion about this post