Hôm đó là một buổi chiều, như bao chiều khác, trời nhiều gió, không nắng, nhưng sáng, trong cái lành lạnh của mùa hanh hao. Tôi thưa chuyện với thầy – người thầy đi cùng với những điều thiêng liêng : cấp tá bốn sao, thầy giáo, thầy thuốc. – trong sân nhà cũ, dưới giàn hoa giấy đang rụng những cánh mỏng như tiếng thở dài. Trà còn nóng, câu chuyện thì đã nghiêng sang chuyện nghề. Tôi nói một câu, nghe thì đùa, mà thật ra cũng ngẫm từ lâu:
“Thầy ạ, nếu lái xe nghỉ một tuần, cả nước rối bời. Người quét rác nghỉ một tuần, cả nước rối rắm. Chợ nghỉ một tuần, dân sinh rối như tơ vò. Nhưng giáo viên nghỉ một tuần, cả nước vui như xem múa rối thầy nhỉ.”
Thầy nom có vẻ ấm ức, có vẻ giận dỗi, không đáp ngay. Cũng không cười. Chỉ chậm rãi xoay chén trà trong tay, mắt nhìn về giàn lá. Một lát, thầy nói:
“Thợ giỏi mà sai, hỏng một mái nhà. Quan giỏi mà sai, thiệt hại cả một vùng. Nhưng người làm thầy mà sai… có khi hỏng cả một thế hệ.”
Tôi im. Vì câu nói ấy – không lớn tiếng, không gắt gỏng – nhưng có một thứ gì đó rất nặng. Nó có vẻ bóp nghẹt tim tôi trong một buổi chiều đầy nhừa nhựa khó khó. Nặng không phải vì thầy trách tôi, mà vì tôi biết, thầy mang theo câu ấy từ cả đời trải nghiệm – một thời hoa lửa, hòa bình về đứng bục giảng, rồi vừa đứng bục giảng, vừa ngồi ghế khám, nhìn người đời đi qua. Nhưng cũng trong sự im lặng ấy, tôi thầm nghĩ: phải chăng, chính hai chữ “cao quý” mà người đời gắn cho nghề giáo, nghề y… mới là điều khiến người làm nghề thêm phần cô đơn?
Tôi không phủ nhận: đó là những nghề có ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa thì nên giữ trong lòng, chứ không phải treo lên cao. Vì một khi đã đặt người làm nghề lên bệ, người ta bắt đầu kỳ vọng họ phải như ánh sáng – luôn đúng hướng, luôn soi đường, không bao giờ mờ nhạt. Nhưng thực tế, người làm nghề – cũng chỉ là… người. Có thể hôm nay mạnh mẽ, ngày mai lại muốn buông tay.
Tôi từng thấy một cô giáo đứng ở hành lang trong giờ ra chơi, không chấm bài, không nói chuyện, chỉ ngồi nhìn đám học trò nô đùa. Tôi hỏi: “Cô mệt à?” Cô cười: “Cũng hơi. Nhưng nhìn chúng nó chơi, tự nhiên thấy lòng dịu đi.” Câu nói ấy khiến tôi nhớ mãi. Một người chọn nghề không hẳn vì đam mê lớn lao gì, chỉ vì thấy bình yên khi ở giữa tiếng cười của trẻ con. Đơn giản vậy thôi. Không cao quý, không thiêng liêng. Nhưng thật.
Tôi cũng từng có dịp trò chuyện với một bác sĩ lớn tuổi trong một buổi khám thiện nguyện ở vùng quê. Ông bảo, nhiều người cứ nghĩ làm nghề y là để cứu người, nghe to tát lắm. Nhưng ông nghĩ, làm nghề này trước tiên là… hiểu người. Có hiểu thì mới chữa được. Có hiểu thì mới nói cho họ nghe. Còn không thì cứ đơn thuốc rồi về, người bệnh… bệnh tiếp. Tôi nghe, gật đầu. Có những người cả đời không cần được tôn vinh, nhưng mỗi câu nói của họ là một hạt giống bình an gieo vào lòng người khác.
Tôi không phủ nhận rằng, có những người làm nghề chưa đúng. Nhưng không nên vì thế mà đòi hỏi tất cả phải sống như thánh. Chúng tôi – những người thầy, người thầy thuốc – vẫn là người. Vẫn biết mỏi. Vẫn có lúc buồn. Có hôm dạy không hay. Có hôm khám không ra bệnh. Có lúc cãi nhau với vợ chồng, sáng mai vẫn phải đứng lớp với một gương mặt bình thản.
Và đôi khi, chính sự kỳ vọng quá mức từ hai chữ “cao quý” lại khiến chúng tôi… nghẹt thở. Không ai cho chúng tôi quyền sai. Không ai nghĩ chúng tôi cũng cần một buổi chiều được khóc trong im lặng. Không nhiều người hỏi với sự chú tâm : “Dạo này thầy sống thế nào, có khó khăn gì không ?” – mà chỉ nói: “Thầy phải gương mẫu nhé.”
Tôi từng hỏi một cô bạn là giáo viên cấp hai, rằng sao ngày nào cũng ở lại trường muộn thế. Cô bảo, vì học sinh bây giờ có nhiều đứa… cô đơn. Không ai nói chuyện. Không ai hiểu. Cô ở lại, không phải để dạy thêm, mà để ngồi cùng. Có hôm chỉ để nghe một em kể về con mèo bị mất, hay về chuyện ba mẹ hay cãi nhau. “Tắc đường, cũng chưa về được. Mình không khuyên được gì. Nhưng có khi, chỉ cần có người nghe, tụi nó đã bớt lạc lõng.” Cô nói, giọng nhẹ như một chiếc khăn lụa.
Nhưng vậy, gia đình cô thì sao ? Con cô ai đón, nhà cửa ai trông, ai dọn, ai cùng lo cái việc ấm êm gia đình ?
Tôi nghĩ, nếu gọi đó là cao quý – thì hóa ra “cao quý” lại bắt đầu từ một chỗ rất… đời thường.
Hay một bác sĩ tôi quen, mỗi sáng đều có thói quen đi bộ qua cổng sau bệnh viện thay vì cổng chính. Khi tôi hỏi vì sao, ông cười: “Vì cổng sau gần hơn với khu khám BHYT. Đi qua đó, tiện nhìn vài bệnh nhân già hay ngồi đợi sớm, xem có ai cần giúp gì.” Không cần ai biết. Không cần ghi nhận. Nhưng hành động nhỏ ấy lại khiến tôi tin rằng: làm nghề này, muốn đi lâu, thì phải có lòng vị tha và chấp nhận– không cần lớn lao, nhưng đủ kiên nhẫn.
Tôi không muốn được gọi là cao quý, nếu điều đó khiến tôi phải sống như thể không bao giờ được yếu lòng. Tôi chỉ muốn, khi tôi sai – có người nhắc nhẹ. Khi tôi mệt – có người hỏi han. Khi tôi im lặng – có người hiểu là tôi đang cần một khoảng yên. Và khi tôi cố gắng – có ai đó thấy điều ấy, mà không cần tôi phải nói ra.
Nếu thật sự thương, xin đừng gọi tôi là người cao quý. Hãy gọi tôi là người – một người đang sống tử tế, đang cố làm một việc có ích cho đời, dù đôi khi lòng cũng đầy gió. Một người cũng cần được thương lại, cũng cần được lắng nghe, cũng cần một buổi chiều ngồi yên, uống trà, và được là mình.
Ngày mai thầy lên đường,
Đi làm anh bộ đội.
Tạm biệt mái trường xinh,
Để lên miền biên giới.
Discussion about this post