Tôi từng nghĩ, sống tử tế là đủ rồi. Chỉ cần không làm phiền ai, không nói lời nặng, không lớn tiếng nơi công cộng… là đã có thể coi mình là một người khá chừng mực. Tôi vẫn luôn tin mình là kiểu người điềm đạm – ít nhất là so với nhiều người ngoài kia. Nhưng càng sống, càng trải, tôi lại thấy lòng mình dần đổi khác. Bởi có những lần tôi gặp một ai đó cư xử có phần thô ráp, tôi không nói ra, nhưng trong lòng thoáng lên một ý nghĩ: “Giá như họ biết cư xử hơn một chút.” Một chút thôi, nhẹ thôi, nhưng vẫn là ý nghĩ của sự so sánh. Và phía sau cái nhìn ấy, là một cái gật rất khẽ của sự tự cho rằng mình… hơn họ.
Tôi từng thấy chị bán chè đầu hẻm nói năng hơi to tiếng, đùa cũng nặng tai. Có lần tôi mua chè đậu xanh, chị hỏi tôi có cần thêm đá không. Tôi lắc đầu. Chị buông một câu: “Không mà nhìn sắp xỉu thế này?” Tôi hơi bất ngờ. Lúc ấy, tôi bực. Trong lòng khẽ nghĩ: “Giọng nói thì lớn, lời lại chẳng dịu dàng.”
Tôi kể chuyện ấy cho chồng tôi. Anh chỉ cười hiền: “Chắc chị ấy quen nói kiểu vui vẻ thôi mà.” Nhưng tôi vẫn lắc đầu: “Vui mà làm người khác ngại thì đâu gọi là vui.” Từ đó, tôi không còn ghé quán chè ấy nữa, dù chè ngon, rẻ, chỉ cách nhà vài bước chân.
Rồi một thời gian sau, tôi được giao phụ trách một nhóm nhỏ trong công ty. Việc nhiều, người đông, đủ mọi tính cách. Có ngày đi làm mà lòng bồn chồn vì con ở nhà sốt. Có ngày đứng giữa cuộc họp, điện thoại báo mẹ bị té. Tôi thấy mình luôn ở trong thế căng như dây đàn. Một lần nọ, trợ lý của tôi làm sai một bước trong bảng báo giá. Không phải lỗi lớn, nhưng vì đúng vào lúc tôi đang áp lực nhiều thứ, tôi đã nặng giọng. Cô ấy lặng đi. Và tôi… cũng lặng đi sau đó. Tự dưng nhớ đến chị bán chè ngày nào.
Tôi bắt đầu hiểu: có những lúc mình không thể dịu dàng. Không phải vì mình xấu tính, mà vì lòng đã quá mỏi. Lúc đó, mình không còn chọn lựa cách hành xử như người ngoài mong đợi nữa – mình chỉ sống sót qua ngày. Và tôi tự hỏi: có khi nào chị bán chè hôm ấy cũng vừa mới trải qua một chuyện không dễ chịu?
Một buổi trưa, tôi quay lại quán chè cũ. Đứng lặng phía sau một người khách đang lựa món, tôi nghe lại giọng nói ấy – vẫn to, vẫn rõ, vẫn có chút ngang ngang: Nắng này mà ăn chè thưng là ướt mồ hôi! Lấy đậu đen đi, cho tỉnh người!
Người khách cười. Tôi cũng cười. Lần này, không thấy khó chịu.
Khi tôi bước lên, chị ngẩng đầu, có vẻ nhận ra tôi. Chị hỏi: Dạo này ít ghé, bận à? Tôi gật. Chị vừa múc chè, vừa nói như tâm sự : Bữa có người nói chị hay “nói nặng”. Ừ, miệng chị vậy, nhưng bụng thì không muốn nặng đâu.
Tôi nhìn chị. Phía sau là bức tường nhỏ treo tấm ảnh cũ – một người đàn ông ôm đứa bé tươi cười. Tôi đoán là chồng chị và con. Mà giờ chỉ có mình chị ngồi đây, giữa quán nhỏ, mùi đậu nếp dẻo quyện cùng nước cốt dừa loang ra trong gió, như thứ hương chỉ có thể nấu từ một bàn tay từng trải, giữa cái ồn ào rất thật của đời sống. Tôi không hỏi gì thêm. Nhưng trong lòng, thấy có gì đó rơi xuống – lặng lẽ và nhẹ nhàng.
Từ lần ấy, tôi bắt đầu đổi cách nhìn. Với người lớn tiếng giữa siêu thị – tôi không còn khó chịu, mà nghĩ: “Có thể chị ấy đang mệt sau một buổi sáng không bán được hàng.” Với người nói chuyện thiếu tinh tế trong tiệc cưới – tôi nghĩ: “Biết đâu họ sống trong môi trường cạnh tranh, quen phải phòng thủ?” Với những người giàu – có khi khép kín, khó gần – tôi cũng thôi gán cho họ hai chữ “kiêu căng”, vì tôi hiểu: có những cô đơn chẳng ai hiểu được, có những áp lực khiến người ta chỉ muốn dựng lên những lớp vỏ lạnh.
Tôi từng băn khoăn: tại sao có những người lớn tuổi lại dễ nổi nóng, dễ phản ứng? Cho đến một hôm, tôi tình cờ ngồi gần một người đàn ông dáng đàng hoàng trong quán cà phê. Khi nhân viên bưng ly nước, tay ông run nhẹ. Cô gái vội đỡ, ông khẽ nói lời cảm ơn. Trong giây phút ấy, tôi không còn thấy một người “cao tuổi”. Tôi thấy một người đang chậm lại dần, đang tập sống với những điều mình không còn kiểm soát được. Ánh mắt ông nhìn xuống, giọng nói nhỏ đi. Tôi bỗng thấy thương. Một sự thương không đến từ thương hại, mà từ thấu cảm. Mình rồi cũng sẽ già. Mình rồi cũng sẽ chậm chạp. Và nếu có ai đó, khi ấy, nói với mình nhẹ nhàng thôi, cũng đủ để thấy cuộc đời này vẫn còn có tình người.
Tôi không còn muốn so sánh ai với ai nữa. Không muốn tự cho rằng mình hiểu chuyện hơn. Không muốn nghĩ ai đó “kém” chỉ vì họ sống khác mình. Vì tôi biết, chính tôi – trong một khoảnh khắc nào đó của mỏi mệt, cũng từng hành xử mà bản thân sau này không muốn nhớ lại.
Người xưa có câu: “Hiểu người là trí, hiểu mình là minh.” Tôi nghĩ, nếu hiểu người mà để buông bỏ phán xét, thì đó là trí tuệ. Còn hiểu mình mà bớt đi ngạo mạn, thì đó là sự sáng lòng.
Tôi từng nghĩ họ kém. Rồi tôi sống đủ lâu để nhận ra – tôi cũng từng như họ. Và vì vậy, tôi không còn ghét họ nữa. Tôi chỉ thấy thương – nhẹ thôi, nhưng đủ để lòng mình mở ra.
Nhân đây, cũng xin mượn mấy câu thơ của tiền nhân để bày tỏ đôi lời:
Gỡ dòng lệ đọng trên mi,
Quơ quào hết những sân si để dành.
Thử chơi một trận tan tành,
Xem ta còn có mạnh lành hay chăng!
—–
Tác giả : Nguyễn Duy. Hòa âm & Phối khí : ban Hoa Lệ.
Đây là tác phẩm tâm huyết của website www.TuBi.vn và Ngọc Kỳ Lân Y Đường.
Discussion about this post